Đinh Hương – Vị thuốc quý từ thiên nhiên

Đinh hương chắc hẳn là gia vị quen thuộc trong các món ăn đối với nhiều gia đình Việt. Bên cạnh đó, loài cây này còn là một trong những dược liệu được sử dụng phổ biến trong Đông y với nhiều bài thuốc trị bệnh hiệu quả như bổ tỳ vị, chữa đau nhức xương khớp, hỗ trợ tiêu hóa, trị tiêu chảy,… Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những thông tin chi tiết về vị thuốc đinh hương trong bài viết dưới đây.

Cây đinh hương là một loài thực vật mọc hoang, được nhiều người biết đến. Một số thông tin tổng quan về loài cây này như sau:

  • Tên gọi khác: Đinh tử hương, hùng đỉnh hương, đinh tử, công đinh hương, chi giải hương,…
  • Tên khoa học: Flos caryophylatac
  • Thuộc họ: Đào kim nương (Danh pháp khoa học là Myrtaceae)

Đặc điểm thực vật

Dù là một loài mọc hoang trong tự nhiên nhưng không khó để phân biệt đinh hương với các loài cây dại khác dựa vào những đặc điểm nổi bật dưới đây:

  • Là loài thân gỗ, sống lâu năm, chiều cao trung bình ở một cây trưởng thành là từ 12 – 15m.
  • Lá đinh hương mọc đối, có hình bầu dục, rất ít rụng. Mỗi phiến lá dày, dài và có màu xanh mướt, hai mặt lá nhẵn.
  • Hoa mọc thành từng cụm nhỏ ở đầu cành, mỗi bông hoa nhỏ có màu hồng trắng, khi chín có màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm. Khi hoa nở, những cánh tràng nhanh chóng rụng đi để lộ nhiều nhị dài màu trắng ngà.
  • Quả đinh hương mọng dài, các lá đài bao xung quanh. Bên trong mỗi quả chỉ chứa một hạt duy nhất. Hạt đinh hương có kích thước nhỏ, màu nâu bóng và được ứng dụng trong nấu ăn, chữa bệnh.

Khu vực phân bố chủ yếu

Đinh hương là một trong những loài ưa khí hậu nhiệt đới ẩm, phát triển mạnh mẽ nhất ở các khu vực gần xích đạo có thể kể đến như các nước khu vực Đông Nam Á, Tanzania, các tỉnh miền tây Ấn Độ và miền nam Trung Quốc.

Trước kia, cây đinh hương cũng được tìm thấy mọc hoang tại khu vực các tỉnh miền nam nước ta trong một vài khu rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, số lượng cây còn lại là rất hiếm và gần như không còn nên dược liệu chủ yếu được nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Thu hái và bào chế đinh hương dược liệu

Đinh hương có thể thu hoạch hàng năm vào thời điểm tháng 9 tháng 10 hàng năm. Vào thời điểm này, các nụ hoa bắt đầu chín chuyển từ màu xanh sang màu đỏ hồng. Khi hái chỉ nên lấy những nụ hoa chưa nở, 4 cánh hoa xếp khít nhau để thu được dược liệu chất liệu tốt nhất.

Sau khi hái, thông thường người ta để nguyên phần cuống rồi tiến hành phơi hoặc sấy khô (cũng có thể loại bỏ cuống). Để giữ được mùi thơm đặc trưng không nên phơi dược liệu trực tiếp dưới nắng mà nên phơi âm can đến khi khô hoàn toàn hoặc sấy trong nhiệt độ 40 – 50 độ C.

Bộ đinh hương vừa sử dụng chữa bệnh vừa làm gia vị nấu ăn

Tùy vào mục đích sử dụng, người dùng có thể tán dược liệu thành bột mịn để sử dụng lâu dài. Hoàn thành công đoạn bào chế cần bảo quản dược liệu trong lọ hoặc túi kín, tránh nơi ẩm mốc, côn trùng gây hư hại.

Tác dụng của đinh hương đối với sức khỏe

Hàng nghìn năm trước đây, đinh dương đã được sử dụng như một thần dược điều trị nhiều căn bệnh khác nhau. Trong nội dung dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ đến quý bạn đọc những thông tin chi tiết về công dụng của thảo dược này đối với sức khỏe đã được nền y học kiểm chứng.

Theo y học cổ truyền

Trong Đông y, có rất nhiều tài liệu ghi chép về công dụng của đinh hương. Tuy vậy, đa phần trong số đó đều khẳng định gia vị đinh hương có vị cay tê, tính ấm và mùi thơm đặc trưng. Tác dụng của thảo dược này quy chủ yếu vào 4 kinh Tỳ, Thận, Vị, Phế và chủ trị các chứng bệnh như:

  • Bổ tỳ vị, ích thận tráng dương, hạ nghịch khí, giảm đau.
  • Trị đau bụng, ổn định, kích thích tiêu hóa, sát khuẩn răng miệng.
  • Trị phong thấp, đau nhức chân tay, nhức mỏi toàn thân, lạnh tay chân.

Theo y học hiện đại

Chiết xuất từ đinh hương chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe cụ thể gồm: các vitamin B, C, D, E, K, Canxi, chất chống oxy hóa, Kẽm, Eugenol, Acetyl eugenol, Beta-caryophyllene, Methyl salicylate, Humulene, Benzaldehyde, Chavicol, Oleanolic acid,… cùng nhiều hợp chất thiết yếu khác.

Một số công dụng điển hình phải kể đến như sau:

  • Tăng tiết dịch vị dạ dày, pepsin, acid dịch vị từ đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng hơn, hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.
  • Kháng khuẩn, kháng viêm hiệu quả, ức chế sự phát triển của nấm gây bệnh, trực khuẩn lao, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn gây viêm phổi, phó thương hàn, trực khuẩn Bruce và phẩy khuẩn tả.
  • Giảm các cơn đau răng, viêm lợi, trị sâu răng.
  • Chữa ho, các cơn đau đầu, giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Làm thuyên giảm các cơn đau nhức xương khớp, viêm khớp, chống loãng xương.
  • Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng đinh hương còn có tác dụng cải thiện sức khỏe tình dục ở cả nam và nữ.

Những bài thuốc chữa bệnh từ đinh hương hiệu quả nhất

Để cải thiện sức khỏe, người dùng có thể tham khảo những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ đinh hương trong nội dung dưới đây.

Nụ hoa đinh hương – dược liệu phổ biến trong Đông y

Bài thuốc trị viêm loét dạ dày, tá tràng

Nếu có những triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng thể hư hàn, người dùng có thể sử dụng một trong hai bài thuốc sau:

  • Bài thuốc 1: Dược liệu gồm hoa đinh hương khô 4gr, hồ thiên sách, đương quy mỗi vị 10gr cùng 6gr ngũ linh chi. Mang tất cả các dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 3-6gr bột pha với nước ấm uống trong ngày. Mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần sẽ giúp các dấu hiệu bệnh chuyển biến tích cực.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 30gr đinh hương, bột long cốt, mẫu lệ mỗi vị 300gr, 120gr bột mì. Tán dược liệu thành một mịn rồi chia đều trong các túi lọc với trọng lượng 6gr. Mỗi lần sử dụng dùng một túi pha với nước ấm, mỗi ngày dùng từ 2-3 lần.

Tuy nhiên, nếu viêm loét dạ dày, tá tràng kèm với triệu chứng xuất huyết thì tuyệt đối không nên sử dụng. Trường hợp này cần tìm đến các cơ sở y tế để có phương pháp điều trị phù hợp.

Tinh dầu đinh hương trị ngạt mũi, cảm cúm

Bài thuốc trị ngạt mũi, nhức đầu, cảm cúm

  • Chuẩn bị: Tinh dầu đinh hương, sa nhân, long não, quế, bạc hà, hồi.
  • Nấu các dược liệu trên thành dạng cao đặc. Sau đó dùng tay chấm cao dược liệu xoa đều vào các vị trí như mũi, thái dương hoặc sau gáy.

Thực hiện hàng ngày, mỗi lần cách nhau 4 – 5 giờ đồng hồ đến khi các triệu chứng khỏi hẳn.

Bài thuốc chữa thấp khớp, đau nhức xương khớp, lạnh chân tay

  • Chuẩn bị: đinh hương 20gr, long não 12gr và 250ml cồn 90 độ.
  • Ngâm dược liệu trong dung dịch cồn trong khoảng 7 ngày rồi lọc bỏ bã.
  • Dùng bông thấm một ít nước thuốc thoa lên vị trí đau nhức, massage nhẹ.

Mỗi ngày thực hiện từ 1 – 2 lần giúp các cơn đau thuyên giảm đáng kể. Theo kinh nghiệm dân gian, thời điểm tốt nhất để thoa thuốc là buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, người dùng có thể thực hiện theo cách sau để cải thiện tình trạng chân tay lạnh:

  • Chuẩn bị: đinh hương dược liệu, tầm gửi cây dâu, tục đoạn, lá lốt, long lão và một ít muối tinh.
  • Cho tất cả các nguyên liệu vào ấm sắc kỹ đến khi cô cạn còn 150ml thì dừng. Sau đó pha thêm nước để nhiệt độ vừa phải, ngâm tay chân đến khi nguội hẳn thì dùng lại.

Kiên trì thực hiện mỗi ngày vào các buổi tối không chỉ giúp ấm chân tay, cơ thể mà còn giúp cải thiện giấc ngủ.

Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy

  • Chuẩn bị: đinh hương 2gr, 6gr sa nhân cùng 12gr bạch truật.
  • Đem các dược liệu trên tán thành bột mịn rồi trộn đều.

Mỗi lần dùng 2 – 4gr bột dược liệu hòa cùng với nước ấm để uống. Để đạt hiệu quả tốt nhất nên dùng mỗi ngày từ 2 – 3 lần đến khi bệnh khỏi hẳn.

Bài thuốc chữa đau răng, viêm lợi

  • Chuẩn bị: đinh hương, hậu phác mỗi vị 4gr cùng 2gr bạc hà.
  • Bỏ các dược liệu vào ấm đun kỹ trong khoảng 15 phút, loại bỏ bã, chắt lấy nước thuốc ngậm trong miệng vài phút sau đó súc miệng.
Dược liệu được sử dụng điều trị hôi miệng, sâu răng hiệu quả.

Thực hiện mỗi ngày ít nhất một lần vào buổi tối còn giúp phòng ngừa và điều trị sâu răng hiệu quả.

Bài thuốc chữa bong gân, sai khớp

  • Dược liệu bao gồm: Đinh hương, gừng tươi, quế, vỏ núc nác, dây đau xương, lá tầm gửi cây khế, lá bưởi, hạt máu chó, hạt trấp, lá mua, huyết giác, lá kim cang, lá náng, lá thầu dầu tía, mủ xương rồng bà, lá canh châu, hồi hương và vỏ sòi với trọng lượng bằng nhau.
  • Mang tất cả các dược liệu trên giã nhỏ, sao nóng rồi bọc trong miếng vải mỏng.
  • Sau đó chườm trực tiếp vào vết thương. Thực hiện mỗi ngày một lần đến khi vết thương khỏi hẳn.

Bài thuốc trị mụn

  • Chuẩn bị bột đinh hương khô và mật ong.
  • Trộn đều nguyên liệu rồi dùng tăm bông chấm vào vùng da mụn để ngăn ngừa mụn nhiễm trùng hay lây lan sang các vùng da khác.

Thực hiện mỗi ngày từ 1 – 2 lần đến khi nốt mụn liền lại.

Bài thuốc giảm căng thẳng, mệt mỏi

Không chỉ giúp loại bỏ căng thẳng, mệt mỏi, bài thuốc sau còn giúp người dùng ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn:

  • Chuẩn bị: Một vài nụ đinh hương, lá húng quế, bạc hà đun sôi lấy nước.
  • Dùng nước dược liệu ở đên pha với chè đen, thêm một chút mật ong cho vừa miệng, uống khi còn ấm.

Bài thuốc trị chàm lở

  • Chuẩn bị: Đinh hương với lượng vừa đủ và 100ml cồn 75 độ.
  • Ngâm dược liệu với cồn trong 2 ngày 2 đêm rồi lọc bỏ bã.
  • Lấy phần nước thuốc bôi lên vết chàm hàng ngày, mỗi lần cách nhau 4 – 5 tiếng sẽ mang đến nhiều hiệu quả.

Bài thuốc trị viêm đường hô hấp trên

  • Chuẩn bị: Đinh hương dạng tinh dầu, trần bì, hạt mùi, tinh dầu bạch đàn, menthol, acid citric, natri bicarbonate.
  • Trộn các dược liệu trên vo thành viên.
  • Mỗi lần dùng khoảng 2 – 3gr đem cho vào nước sôi xông mũi họng hoặc hòa với nước ấm để súc miệng hàng ngày.

Khi thực hiện cần lưu ý nhiệt độ của nước để tránh gây bỏng mũi họng.

Cách pha trà đinh hương

  • Chuẩn bị: 1 thìa cafe bột đinh hương khô cùng nước sôi.
  • Đổ bột vào ấm rồi cho thêm nước sôi vừa đủ, đợi khoảng 20 – 30 phút là có thể sử dụng.

Khi pha có thể cho thêm quế hoặc vài lát gừng tươi, mật ong để trà ngon hơn, bổ dưỡng hơn. Trà đinh hương có thể dùng hàng ngày giúp giữ ấm cơ thể, giảm căng thẳng mệt mỏi, trị hôi miệng,…

Khi sử dụng đinh hương cần lưu ý điều gì?

Đinh hương không chỉ ứng dụng trong các bài thuốc chữa bệnh mà còn được dùng làm gia vị nấu món ăn. Dù khá lành tính nhưng trong quá trình sử dụng người dùng cần phải lưu ý những vấn đề sau:

Trẻ em, phụ nữ có thai hay đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Không nên quá lạm dụng dược liệu, sử dụng quá liều lượng trong các bài thuốc. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải như: kích ứng da, tổn thương đường hô hấp, co thắt phế quản đột ngột, co giật, phù phổi.

Cơ thể không bị hư hàn thì không nên dùng.

Tuyệt đối không kết hợp với uất kim bởi có thể gây ra độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đinh hương có thể làm giảm tác dụng của một số thuốc chống đông máu.

 

 

Related Posts

Sả và các công dụng tuyệt vời từ sả

Sả là loại cây thân thuộc và nhiều công dụng với sức khỏe, nó thường được sử dụng làm gia vị trong các món ăn hằng ngày…

10 công dụng của trà nụ vối đối với sức khỏe

Đôi nét về cây vối Cây vối hay còn gọi là cây lá vối thuộc họ Sim, mọc chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới trên…

Bồ hòn vị thuốc có khả năng tẩy rửa tự nhiên

Lâu nay mọi người thường sử dụng quả bồ hòn để giặt và tẩy quần áo. Đây cũng là dược liệu thường được sử dụng để điều trị…

CÁC BÀI THUỐC BỔ PHỔI, GIẢM HO HIỆU QUẢ NHANH, DỄ THỰC HIỆN

Để giảm ho, tiêu đờm, đừng vội dùng thuốc tân dược ngay, hãy thử áp dụng một số bài thuốc bổ phổi, giảm ho từ những nguyên…

Cách giải rượu bia bằng gừng – Tuyệt chiêu nên biết mùa tiệc tùng

Trong những ngày nghỉ Quốc khánh, không hiếm khi chúng ta phải tham gia các buổi tiệc tùng, liên hoan. Với những ai tửu lượng yếu, chưa…

13 tác dụng của chè vằng trong trị bệnh và làm đẹp

Chè vằng là loại thảo mộc có công dụng cao trong điều trị chứng mất ngủ, nóng trong người do gan, phòng ngừa ung thư, lợi sữa…